Đối với tôi, bằng cấp không quan trọng, tôi chỉ quan trọng việc bạn đã làm được gì. Có câu nói mà tôi đã khắc sâu trong đầu trong một buổi giảng hiếm hoi của giám đốc FPT Networks, đó là “Người học nhiều mà không biết áp dụng thì vẫn thua người học ít mà biết áp dụng”. Thực tế đã minh chứng được điều đó, học không có nghĩa là phải đến lớp, có thể học ở nhà, học từ mọi người xung quanh; tôi đã nghe câu chuyện về anh nông dân chế tạo được một cỗ máy trong khi bao nhiêu kỹ sư tốt nghiệp chưa làm được một phần của chiếc máy. Cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác từ câu nói đó.
Tôi vốn rất thích máy móc vì tôi chơi cái gì cũng đều mở tung nó ra để xem bên trong có gì, nhờ đó mà tôi có thể sửa được nhiều thứ trong nhà. Nhưng đó là những cái vi mô, xem ra những cái vĩ mô không phù hợp với tôi, đó là ngành cơ khí. Từ năm lớp 12, tôi đã xác định là thi vào ngành tiếng Anh và tôi tập trung cho khối D, tôi chả quan tâm gì đến Hóa, Lý. Đến kì thi đại học, tôi thi 2 khối. Ngày đầu thi khối A tôi rất thoải mái vì chỉ là thi chơi, ngày thi khối D quan trọng đã đến, tôi tập trung vào phần thi, buổi sáng làm bài môn Văn tạm ổn, đến chiều mới vào thi môn tiếp theo tôi lại phát sốt và có vẻ rất nóng, lại còn sổ mũi liên tục chẳng tài nào tập trung mà suy nghĩ nữa, thế là tôi đã biết kết quả. Chỉ còn trông chờ vào khối A, tôi được nhận vào trường Bách Khoa và học cho đến thời điểm này, cũng đã 2 năm rồi. Ngành cơ khí này là do mẹ tôi và các cô khuyên, nếu ra trường tôi sẽ vào công ty chú tôi và làm với mức lương khởi điểm là ổn, mặc dù tôi không có ý định sẽ chọn nhưng tôi là người luôn tìm đến những thử thách, tôi quyết định chọn.
Lên lớp học, thay vì đọc sách về kỹ thuật, tôi toàn đọc về kinh tế và cuộc sống. Kế hoạch của tôi là sẽ lấy được tấm bằng và ra trường đi làm ngay, sau đó học tiếp về lĩnh vực kinh tế. Tôi luôn khao khát trở thành một doanh nhân hay nói một cách khác là một nhà đầu tư, tôi thích sự mạo hiểm và dường như sự ổn định về thu nhập là khái niệm xa vời, tôi không muốn dừng lại ở cột mốc nào cả.
Năm 1 đã trôi qua với bản điểm rất thấp, đó là điều khiến tôi phải đắn đo nhiều nhất. Liệu tôi có lãng phí thời gian ở trường này không? Chắc chắn là không rồi, tôi còn nhớ câu nói của Bill Gates “Bạn chỉ có thể kiếm được tiền từ những gì bạn biết”. Có thể kiến thức tôi học ngày hôm nay chưa có cơ hội dùng đến nhưng sau này sẽ cần đấy. Tôi tin là tôi có thể kiếm được tiền từ ngành cơ khí này.
Năm 1 dường như ít có sự đoàn kết vì mặc ai nấy làm. Lớp tôi chỉ toàn là con trai, vọn vẹn được hai cô nữ (đặc trưng của các trường khối kỹ thuật), tôi còn nhớ cái Khoa cứ vào là ngồi cuối và dường như ít tiếp xúc với ai, hắn còn gặp tôi và kể nhiều về gia đình hắn, để rồi ngày hôm nay hắn trở nên mạnh bạo hơn và nổi trội nhất trong lớp với đủ kiểu nổi loạn. Lớp bắt đầu gắn kết và hoạt náo hơn với những lần tham gia đi bộ vì người nghèo, đến thăm mái ấm, đêm hội tất niên… hầu như tôi chưa bỏ qua chương trình nào, đấy là cách tôi quan sát và hiểu từng người.
Có những con ong chưa tìm được tổ, đó là câu chuyện của một anh trong lớp tôi, cũng tầm 24 tuổi rồi, nhìn anh có vẻ xơ xác với tần suất có mặt là 1-2 ngày/tuần. Tôi không biết anh đã chọn con đường đi cho tương lai của mình hay chưa? Một bài toán chưa có lời giải. Tôi không muốn một ngày nào đó cũng như anh ta, tôi phải khác đi và tiếp tục hành động dựa vào mục tiêu đã xác định.
– Nếu bạn đã có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời, thì hãy nhìn vào và bước đi dù cho bạn đang ở môi trường nào.
– Đọc sách nhiều hơn và thậm chí là luôn luôn.
– Biết nắm bắt cơ hội và cập nhật thông tin bởi những thông tin nóng hằng ngày không bao giờ có trong sách vở.
– Tạo dựng thật nhiều mối quan hệ, đừng để chết khát rồi mới bắt đầu đào giếng. Tôi rất vui vì tới thời điểm này, danh bạ điện thoại đã vượt qua con số 250 người, mục tiêu kế tiếp của tôi là con số 300 tính đến hết năm nay.
Nếu được học lại năm 1, tôi sẽ chọn gì ư? Tôi vẫn không thay đổi, vì:
“Thành công không phải là đích đến, nó là một hành trình”.
“Không có cái gọi là thất bại, chỉ có cái gọi là thử thách” – Chung Ju Yung.
Đạt V
05.10.2010