Việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ là dễ dàng. Mua vào khi thị trường điều chỉnh là một quyết định dũng cảm. Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đã tăng giá nhiều khi thị trường uptrend là một quyết định khó khăn. Biết phải làm gì khi thị trường lình xình đi ngang không hề dễ dàng. Và phải chứng kiến người khác kiếm được nhiều tiền hơn mình trên thị trường chứng khoán chắc hẳn là một ấn tượng khó quên nhất!
Từ cuối 2020 đến đầu 2022, tâm lý chung của thị trường là hưng phấn. VNINDEX tăng mạnh, các thông tin vĩ mô đều tích cực và dòng tiền đổ vào chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Nhà đầu tư có xu hướng quay vòng tài sản nhanh. Chẳng phải “không bao giờ sai khi chốt lời” đó sao? Sau khi chốt lãi rồi thì nhà đầu tư có thể mau chóng tìm một cơ hội khác. Việc nắm giữ dài hạn một mã chứng khoán ít được quan tâm, dù rằng trong thời kỳ uptrend, nắm giữ một khoản đầu tư tốt mang lại hiệu quả đầu tư rất cao và tránh được chi phí giao dịch.
Rồi tháng tư ập đến với một đợt điều chỉnh lớn. Sực nhìn lại thị trường đã có bước tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua, mọi người bắt đầu lo ngại về khả năng một sự đổ vỡ của thị trường. Và cứ mỗi lần thị trường điều chỉnh, sẽ có vô vàn lời hô hào về một kỳ khủng hoảng sắp tới. Người thì do quá chủ quan không giảm tỷ trọng cổ phiếu, đành trở thành “nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”. Người thì lại bán cổ phiếu quá sớm mỗi khi thị trường rung lắc, khiến vừa mất tiền giao dịch lại ôm thêm khoản lỗ mới.
Đây là những đúc kết của việc đầu tư chứng khoán nói chung:
- Chứng khoán là kênh đầu tư để đạt được mức lợi suất dài hạn cao nhất để chống lại sự mất giá do lạm phát.
- Chứng khoán có những thời điểm biến động rất mạnh mẽ.
- Thị trường trong ngắn hạn rất khó xác định được mức lợi suất đầu tư.
Tựu chung lại, chúng ta có thể nhận thấy rằng đầu tư chứng khoán là thực sự cần thiết để có thể đạt được những mục tiêu tài chính dài hạn, đó có thể là khoản tiết kiệm cho hưu trí, chuẩn bị việc học hành cho con cái, hay những dự định lớn lao khác. Tuy nhiên, trên quãng đường đi đến mục tiêu đó, có không ít chông gai. Cảm xúc thực sự là kẻ thù của đầu tư chứng khoán. Nó cản trở chúng ta ra những quyết định hợp lý trong những tình huống căng thẳng. Cảm xúc quá hưng phấn khiến ta tiếp tục mua vào ở thời điểm mà lý trí nhận thấy giá đang ở mức quá cao. Còn sự sợ hãi tột độ khiến ta bỏ rơi những khoản đầu tư dài hạn khi mà áp lực bán chạm đỉnh điểm.
Việc ứng phó với thị trường là một điều không dễ dàng, và quyết định đầu tư theo cảm xúc như phân tích ở trên thường không mang lại hiệu quả. Hướng giải quyết khả dĩ nhất ở đây nên là có sự chuẩn bị trước, dựa trên lý trí và tính toán hợp lý, để tránh bị cảm xúc chi phối lúc cần ra quyết định.
Trước hết, nhà đầu tư nên xác lập một mục tiêu tài chính theo nguyên tắc thông minh (S.M.A.R.T).
+ Mục tiêu cần phải cụ thể (S-Specific), là chi tiết tôi muốn làm được cái gì. Ví dụ: trong 5 năm nữa tôi sẽ tích lũy đủ tiền cho con đi du học đại học 4 năm tại một trong các nước châu Âu.
+ Cần có một biện pháp đo lường (M-Measurable), ví dụ đơn cử là cần bao nhiều tiền để làm việc trên. Ví dụ: số tiền tối thiểu cần có lúc đó là 4 tỷ đồng.
+ Mục tiêu không nên quá xa vời, mà cần có thể đạt được trong khả năng của bản thân (A-Achievable). Ví dụ: Tôi biết rằng kỳ vọng hợp lý của VNINDEX là 12-15%/năm trong dài hạn, nên việc mong muốn đạt lợi suất kép 40% trong 5 năm tiếp theo (vì 2021 rất thuận lợi) là một kỳ vọng không có tính thực tế cao.
+ Mục tiêu cần phải có trọng tâm vào kết quả (R-Result-focused), không cần quá lan man vào các việc phải làm. Tôi biết rằng mục tiêu quan trọng nhất là đạt được mốc 4 tỷ trong 5 năm, việc tăng giảm trong ngắn hạn nếu thuận lợi thì sẽ giúp tôi đạt mục tiêu sớm hơn, nhưng tôi không nên để những biến động tiêu cực ngắn hạn làm sao nhãng đi mục tiêu dài hạn của mình.
+ Và cuối cùng, mục tiêu cần được thực hiện trong bao lâu (T-Time-bound), cụ thể là 5, 10 hay 20 năm.
Việc tiếp theo, nhà đầu tư cần phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý. Dựa trên thu nhập, mức độ chịu đựng rủi ro, cũng như mục tiêu tài chính đã đề ra, nhà đầu tư sẽ quyết định xem nên để bao nhiều tiền mặt (cho các nhu cầu cấp thiết và đột xuất), bao nhiêu đầu tư vào các kênh lợi tức cố định, ít rủi ro (tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu) và bao nhiêu nên đầu tư vào kênh huy động vốn dài hạn (chứng khoán).
Nhà đầu tư cũng nên đặt ra những kịch bản khác nhau, từ rất tốt đến rất xấu, và cùng với đó là một bộ nguyên tắc để tuân theo khi kịch bản xảy ra. Ví dụ, khi thị trường tích cực, gia tăng tỷ trọng đầu tư chứng khoán sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Trong thị trường downtrend, quản trị rủi ro bằng cách tăng tỷ trọng tiền mặt hoặc đầu tư lợi tức cố định. Định kỳ, nhà đầu tư sẽ xem xét điều chỉnh sự phân bổ này cho phù hợp diễn biến thị trường và tuân thủ nguyên tắc đã đề ra. Đừng bao giờ bị động và để cảm xúc lấn át lý trí khi điều bất ngờ xảy ra.
Và trong khoảng thời gian còn lại, bạn không phải quá bận tâm đến những khoản đầu tư đó nữa. Khi đã có chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có thể bình thản đi qua những biến động, khó khăn của thị trường. Còn nếu bạn là người không thể ngừng dòng suy nghĩ, hãy dành điều đó cho những dự định của tương lai nhé!
Theo Quỹ đầu tư VNDAF