(Đạt V) – Giữa những tranh luận nảy lửa trên các mạng xã hội về việc nghệ sĩ và khán giả xem ai nuôi ai? Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả dường như chưa có hồi kết. Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh là một người làm lâu năm trong ngành sân khấu – điện ảnh, từng tiếp xúc với rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đã dành thời gian tìm lại nguồn cội của ngành này để tìm câu trả lời cho mọi người được sáng tỏa.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa động từ “nuôi” như sau:
(1) Cho ăn uống, chăm sóc để duy trì và phát triển. Nuôi con. Nuôi heo, gà. Nghề nuôi ong. Công tác nuôi quân.
(2) Giữ gìn, chăm sóc để cho tồn tại, cho phát triển. Nuôi tóc cho dài. Nuôi chí lớn. Nuôi nhiều ước mơ.
Vậy với nghề biểu diễn, chữ NUÔI nên hiểu ra sao? Tôi xin phép viết lại những gì tôi trải qua, thu nhận, chiêm nghiệm từ lúc còn làm khán giả, cho tới khi làm sinh viên nghệ thuật, làm diễn viên, đạo diễn, biên kịch phim.
Nghệ sĩ có “nuôi” khán giả không?
Khi tôi còn nhỏ, chỉ xem truyền hình, thông qua cải lương, hát bội, kịch, phim,… mà được “gặp” rất nhiều nhân vật từ người thường tới danh nhân “Kim- Cổ, Đông -Tây” thông qua diễn xuất của các nghệ sĩ. Tôi cảm nhận sâu sắc về tình đời, lễ nghĩa, lẽ sống, sự hào sảng, nghĩa hiệp giang hồ và nhiều mặt trái của xã hội bằng sự đồng cảm với nhân vật từ hoá thân của nghệ sĩ. Không thể phủ nhận rằng những đức tính này đã thấm dần trong tôi, đó chính là quá trình “xã hội hoá” của một đứa trẻ theo nghiên cứu của các nhà giáo dục.
Có thể nói, tình yêu non sông đất nước đã tự nhiên chảy vào trái tim tôi từng ngày, thông qua từng vở tuồng lịch sử, tôi nuốt từng lời thoại, ngưỡng mộ tính cách, cách xử lý tình huống vượt qua lúc nguy nan, sự hy sinh lớn lao vì nghĩa, vì nước của các nhân vật lịch sử thông qua lời ca tiếng hát và diễn xuất của các nghệ sĩ. Các nhân vật lịch sử như: Trưng Trắc, Thi Sách, Triệu Thị Trinh, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Nguyễn Huệ, Ngọc Hân,… sống động đầy thuyết phục bởi tài năng điêu luyện của các nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Diệu Hiền, Tuấn Thanh, Thanh Tòng, Minh Vương, Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu…
Không chỉ thích, thuộc làu làu, ca diễn theo, mà tôi chợt nhận ra, mình đã được NUÔI lớn phần nào bởi các dòng nghệ thuật từ truyền thống tới đương đại, đó chính là hồn cốt văn hoá miền Nam, văn hoá Sài Gòn chính hiệu. Chẳng phải chính các nghệ sĩ đã truyền cho tôi sao?
Tôi nghĩ rằng, NUÔI DƯỠNG lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí, văn hoá, cốt cách, tâm hồn, phẩm cách Việt trong tôi, có phần lớn sự đóng góp của các tác phẩm nghệ thuật và các nghệ sĩ. Điều này, cha mẹ tôi, thầy cô tôi không thể làm tốt hơn các nghệ sĩ. Như vậy, chữ “NUÔI” trong chiều này, đã đúng với định nghĩa thứ 2: NUÔI DƯỠNG một điều đẹp đẽ trong tâm hồn tôi.
Nhưng chưa bao giờ tôi nghe các nghệ sĩ suy nghĩ hay nói về điều này, lâu nay, họ chỉ xem nghề của mình là “con tằm nhả tơ” phục vụ khán giả, là “ăn cơm” của khán giả mà thôi.
Thầy cô ở trường nghệ thuật đã dạy tôi điều gì?
Tôi vừa học vừa tham gia làm nghệ thuật từ năm 1987 tới nay, học 4 năm diễn viên, 10 năm cho 2 khoá đạo diễn sân khấu và đạo diễn điện ảnh, 3 năm cao học, và gần chục khoá ngắn hạn về biên kịch, sản xuất, quản lý dự án từ các chuyên gia nước ngoài. Tất cả đều học chính quy, nghiêm chỉnh. Xung quanh tôi, các đồng nghiệp, nhiều người cũng học liên tục như vậy.
Tôi buộc phải viết rõ như vậy để một số người hay mắng nhiếc nghệ sĩ là bọn lười nhác vô học cần suy nghĩ lại.
Có ba điều chính trong tất cả các khoá học là chuyên môn, thái độ và kiến thức.
– Chuyên môn: thì khỏi phải nói về độ khó khăn và sự vất vả luyện tập, ngày nào cũng mướt mồ hôi và đầy các vết thương lớn nhỏ.
– Kiến thức: khi nghiên cứu một nhân vật, phải nghiên cứu về thời kỳ nhân vật sống, cả nhân sinh quan, ý thức hệ. Vì vậy, các khoá học trang bị kiến thức lịch sử – xã hội khá sâu rộng.
– Thái độ: thì hầu hết các thầy cô, các trường đều dạy giống nhau: phục vụ khán giả, lấy khán giả làm đối tượng, mục tiêu cho tác phẩm nghệ thuật. Xây dựng tác phẩm nhằm thu hút khán giả.
Ngay cả các nước Âu-Mỹ, ca hát, phim ảnh đã trở thành ngành công nghiệp với doanh thu khổng lồ, nhưng họ vẫn không bao giờ ngừng tìm cách chinh phục trái tim khán giả.
Ngoài việc khai thác sự hấp dẫn của tác phẩm, các nghệ sĩ luôn tìm cách gửi những lời có cánh tới khán giả. Cám ơn và tri ân một cách chân thành sâu sắc là điều ta thường nhìn thấy ở các nghệ sĩ, điều này khiến trái tim khán giả tan chảy, dễ dàng móc hầu bao mua vé thưởng thức và ủng hộ. Vậy là một vòng tương tác qua lại giữa khán giả và nghệ sĩ lại bắt đầu.
Tuy không dùng từ “NUÔI”, nhưng có thể thấy quan hệ cộng sinh khá rõ, khán giả đem tới tiền bạc và vinh quang cho nghệ sĩ, và nhận về các giá trị tinh thần và giải trí. Vậy định nghĩa từ NUÔI đã có mặt đầy đủ cả 2 vế trong hành trình này, chỉ là không gọi tên ra, không phân biệt cao thấp, rất công bằng và bình đẳng. Tôi nghĩ, các nghệ sĩ gần đây lên tiếng, cũng chỉ vì điều này mà thôi.
Các chiến dịch truyền thông đại chúng từ thập niên 1950 trở đi, các doanh nghiệp cũng phục vụ khách hàng bằng thái độ tương tự, lắng nghe khách hàng, phát triển sản phẩm theo nhu cầu khách hàng và luôn cám ơn tri ân thông qua các chiến dịch PR (quan hệ công chúng). Ừ, chắc tới đây thì sẽ có nhiều người nói rằng, tất cả chỉ là trò chiêu dụ để bán hàng thôi, nhưng rõ ràng, khách hàng vui vẻ khi nghe lời tri ân.
Ông bà mình dạy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “thuận mua vừa bán” là vậy.
Còn Thầy Cô tôi luôn dạy rằng: “Muốn trở thành nghệ sĩ chân chính, trước hết, phải là một công dân chân chính!”
Tôi biết, những ai tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh ở Sài Gòn đều biết và giữ trong tim lời dạy này làm kim chỉ nam hành động.
Trước ngày chúng tôi tốt nghiệp, Thầy tôi còn dạy:
Sau này, khi các con nổi tiếng, phải nhớ một điều, phải luôn luôn đứng về phía nhân dân – nhân dân cần lao, không để bất cứ thế lực chính trị nào, đồng tiền nào thao túng, không ký tên hay tham gia bất kỳ hành động nào có hại tới tính mạng, quyền lợi, tài sản của con người, nhất là số đông quần chúng nhân dân.
Tôi biết, hầu hết anh chị em nghệ sĩ Sài Gòn ngày nay đều sống như vậy. Tìm kiếm các từ khoá: xây cầu, máy bơm, trồng rừng, mồ côi, lũ lụt, cứu trợ,… chắc chắc bạn sẽ tìm ra khá nhiều cái tên, mà phía sau mỗi cái tên là vô số nghệ sĩ âm thầm ủng hộ đóng góp.
Khán giả đã nuôi nghệ sĩ ra sao?
- NGÀY XƯA
Năm 1991, tôi tới lạy Tổ ở Nhà thờ Tổ đường Cô Bắc, kết bạn với ông cụ giữ nhà thờ, sau vài năm, được ông kể và chỉ dạy nhiều điều.
Theo ông, tục thờ Tổ và truyền thuyết về Tổ nghiệp sân khấu có từ các gánh hát bội ở miền Nam, sau truyền qua các gánh hát cải lương, rồi sau này sân khấu kịch, ca nhạc cũng thờ.
“Thờ Tổ”, “Lạy Tổ”, “Cúng Tổ” là tri ân những người khai sáng, nhớ ơn tất cả những người đã cống hiến cho nghề, là “uống nước nhớ nguồn”.
“Tổ đãi”, “Ăn cơm Tổ”: Từ Tổ ở đây chính là hình tượng hoá nhân dân, khán giả, đây là cách nói khiêm tốn khi nghệ sĩ thành danh.
Ông kể ngày trước, hầu như nước nào cũng có các đoàn hát đi trình diễn lưu động nhiều nơi, ở miền Nam không gọi là đoàn hát mà gọi là “gánh hát” là bởi vì người ta gánh từng gánh đi diễn, đi hát. Hát ở đầu chợ, bến sông, bãi đất trống, sân đình… Khi đó khán giả không mua vé mà đem cho gánh hát những gì họ có như gạo, bánh, cây trái vườn nhà. Có lẽ, đây là hình ảnh khán giả nuôi nghệ sĩ theo định nghĩa thứ nhất khá rõ.
Nghề đi hát ở miền Nam ngày trước có hai mùa nắng – mưa rõ rệt, mùa nắng thì có thể hát nhiều hơn, còn có nhiều đám cúng đình, lễ hội được tổ chức, nhưng mùa mưa thì có khi cả tuần chưa thể hát, mà đời nghệ sĩ hát tới đâu xài hết tới đó, mùa mưa dễ rơi vào cảnh đói, mà khán giả miền Nam thì quá đỗi chân thành, yêu quý nghệ sĩ như người thân trong nhà, có gì cũng đem cho đem tặng. Như vậy, rõ ràng khán giả đã nuôi sống nghệ sĩ suốt mùa mưa rồi còn gì. Đây đúng là chữ NUÔI ĂN – nuôi vật chất theo định nghĩa thứ nhất.
Vậy khán giả có NUÔI nghệ sĩ theo định nghĩa thứ hai không?
Dạ xin thưa có luôn, có rất nhiều, chính là NUÔI DƯỠNG TINH THẦN.
Nghệ sĩ khi hát, sẽ hưng phấn hơn, diễn hay hơn, xuất thần hơn khi có sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Chẳng phải những tiếng trống chầu sau mỗi đoạn hát, những tràng vỗ tay rất lớn, rất dài mỗi khi nghệ sĩ xuống một câu vọng cổ hay sau một câu thoại đã khiến nghệ sĩ hạnh phúc bội phần, kích thích cảm xúc thăng hoa hơn, ca diễn nhuần nhuỵ, thắm đậm hơn sao? Chẳng phải đó chính là lúc khán giả đang trực tiếp NUÔI DƯỠNG TINH THẦN cho nghệ sĩ ngay trong từng suất hát hay sao? Người xưa nói “Bá Nha cần phải có Tử Kỳ” là vậy.
Tôi từng là diễn viên, từng diễn những đêm chỉ có vài khán giả, chúng tôi dặn nhau, phải diễn hết lòng như đang có hàng trăm khán giả để cám ơn những khán giả vì mình mà tới xem trong mưa to gió lớn thế này. Và những khán giả ít ỏi của những đêm đó, như thấu hiểu nỗi lòng nghệ sĩ, đã cố hết sức vỗ tay thật lớn, như vỗ dùm những hàng ghế trống, khiến chúng tôi hết sức cảm động, cảm giác biết ơn lâng lâng lan toả, đọng lại trong lòng tôi cho tới tận bây giờ. Ân tình đó chính là sự DƯỠNG NUÔI TÌNH NGHĨA, chẳng tiền bạc nào mua được.
Cũng chỉ có khán giả miền Nam, coi hát xong không chịu về, đứng chờ nhìn mặt, nắm tay, hỏi han chân tình tới nghệ sĩ, họ gộp nhân vật và nghệ sĩ làm một, họ thương và khóc cho nhân vật mà ôm lấy nghệ sĩ vỗ về. Họ xưng má, xưng tía và kêu nghệ sĩ là “con”, là “thằng” trong cái nghĩa thương yêu trong gia đình chứ không phải kiểu “con hát” khinh miệt như ở các vùng khác. Như vậy chẳng phải khán giả đang DƯỠNG NUÔI TÌNH CẢM một cách trọn vẹn – đầy đủ – sâu đậm cho nghệ sĩ sao?
Tôi còn nhớ, trong một liên hoan phim Việt Nam tổ chức ở một tỉnh nọ, khán giả ùa ra đường chờ đón các nghệ sĩ một cách nồng nhiệt, một nhà báo nói với tôi, trời ơi, làm nghệ sĩ sướng thiệt, đi tới đâu khán giả cũng biết và nồng nhiệt tiếp đón, các nguyên thủ mình cũng đâu được dân đón như vầy. Ừ, đâu ai có thể thuê khán giả làm như vậy được, tất cả đều từ tình cảm chân thành, từ yêu quý nghệ sĩ thật lòng mà ra. Đó chẳng phải là sự DƯỠNG NUÔI lớn nhất cho TRÁI TIM dễ rung động của nghệ sĩ hay sao?
Vì sao trên bàn thờ tổ ngoài thờ “tam vị thánh tổ” còn “thờ thập nhị công nghệ”?
Khi diễn ca, nghệ sĩ hoá thân vào một nhân vật khác, con người khác, từ anh hùng tới thường dân trong xã hội, để hoá thân tốt, nghệ sĩ bắt buộc phải trải qua một quá trình quan sát, tìm hiểu, học hỏi các đặc tính riêng của nhân vật, nghiền ngẫm những câu chuyện của nhân vật và những người xung quanh rồi phân tích – lựa chọn – chuyển hoá – xây dựng thành hình mẫu tiêu biểu để hoá thân, quá trình này gọi là NGHIÊN CỨU NHÂN VẬT.
Đây là quá trình lao động của nghệ sĩ, nhưng mặc nhiên, khán giả chính là thư viện hình mẫu có sẵn vô cùng đa dạng phong phú. Ngoài lượng hình mẫu, câu chuyện hiện tại còn có hàng hà sa số các câu chuyện dân gian, truyền thuyết, lịch sử xoay quanh tạo thành một kho dữ liệu khổng lồ.
Dữ liệu chính để hình thành và xây dựng nhân vật cũng lấy từ cộng đồng khán giả, vậy, gián tiếp, khán giả đã NUÔI DƯỠNG HỒN CỐT, VĂN HOÁ, TƯ DUY NGHỆ THUẬT của nghệ sĩ rồi còn gì.
Có phải vì thế mà trên bàn thờ Tổ nghề sân khấu ngoài việc thờ Tam vị thánh tổ là Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, còn thờ 12 vị Tổ nghiệp của các nghề khác? Có phải đây chính là bày tỏ lòng biết ơn hay chính là biểu thị của tính cộng sinh?
Và vì sao khi cúng tổ, nghệ sĩ cúng bà “phiến mẫu”
Truyền thuyết kể lại rằng, TAM VỊ THÁNH TỔ nghề hát bội vốn là BA HOÀNG TỬ mê hát. Trong đó, Ông Tổ nghề là Thái Tử Càn bỏ triều ra ngoài lập gánh hát, sống bình dân, ăn quán ngủ đình, gạo chợ nước sông, hoà mình với mọi người trong xã hội, gánh hát của Thái Tử gây được nhiều cảm tình với nhiều khán giả, nhất là giới bình dân lao động. Đặc biệt trong đó có “Bà Hàng Gánh”, một phụ nữ mua gánh bán bưng, yêu nghệ thuật, trở thành Mạnh Thường Quân của gánh hát.
Mùa mưa, nhất là những tháng mưa dầm, bão lũ, gánh hát tiêu điều, Bà Hàng Gánh, luôn gắn bó với nghệ sĩ trong mọi tình huống, bà buôn tảo bán tần, dầm mưa lội nước, vậy mà cũng không sao giải quyết nổi cho hàng chục miệng ăn trong gánh hát. Vì lòng tự trọng, ông Bầu Thái Tử không cam tâm để bà Hàng Gánh nuôi mình và gánh hát. Thừa lúc bà đi bán dạo, ông Bầu đem y trang râu mão cho vô hai bầu thúng rồi lặng lẽ gánh đi, tìm nơi tá túc.
Bà Hàng Gánh đi tìm ông, sau nhiều ngày, thấy ông Bầu tựa lưng vào gốc ngô đồng mà chết tự lúc nào. Bà lục hai đầu thúng, chỉ còn sót lại nửa xấp bánh tráng trắng và mấy tán đường liền cúng bái với tất cả lòng thành rồi đưa tạm thi hài ông bầu vào “ngồi” gọn trong bộng cây ngô đồng chờ nước rút mới an táng được. Có lẽ về sau, tượng Tam vị thánh tổ được làm từ gỗ cây ngô đồng là vì vậy.
Về sau, giới nghệ sĩ tôn tặng “Bà Hàng Gánh” danh hiệu “Phiếu Mẫu” nhang khói hàng đêm. Mỗi chiều, trước khi bán vé, bầu gánh dâng trầu cau, bánh nước cúng vái “Bà Hàng Gánh” tại phòng bán vé trước rạp hát để bà phù hộ cho được đông khán giả. Đến ngày giỗ Tổ, nghệ sĩ đặt riêng một bàn thờ bà tại phòng vé, trên bàn có một bài vị nhỏ viết hai chữ Hán “Phiếu Mẫu”. Ngoài vật cúng thông thường còn thêm bánh tráng trắng nhúng nước và đường tán, lại có thêm một đôi gióng thúng nhỏ xíu để kỷ niệm nghề mua gánh bán bưng của bà.
Thông qua truyền thuyết và việc thờ cúng “Bà Hàng Gánh”, phải chăng các vị tiền bối của nghề hát đã truyền thông điệp lại cho hậu thế việc tri ân khán giả, nhắc nhỡ chữ NUÔI với đầy đủ hai nghĩa vật chất và tinh thần một cách trong sáng mà khán giả đã luôn ưu ái dành cho nghệ sĩ.
- NGÀY NAY
Ngày nay, đời sống hiện đại, công nghệ giải trí phát triển, người ta áp các giá trị và đưa các chiến lược trong kinh doanh vào quy trình sản xuất tác phẩm và lăng xê nghệ sĩ. Trong quy trình này, khán giả là khách hàng – là thượng đế. Khán giả vẫn là đối tượng quan trọng hàng đầu, tất cả các nghệ sĩ và nhà sản xuất đều hiểu rõ như vậy. Gần hai năm trong nạn dịch Covid, điều này càng rõ hơn bao giờ hết.
Nhưng vì sao có chuyện nghệ sĩ nói tới chuyện “NUÔI” gần đây?
Ai cũng biết, ngành nghề nào cũng có người này người nọ, nghệ sĩ cũng vậy, ngoài số ít có hành vi hay phát ngôn quá đáng, phần lớn nghệ sĩ đều phải lao động rất vất vả.
Lao động nghệ thuật thuộc dạng đặc biệt, vừa mất nhiều công sức học hành, khổ luyện, vừa phải tâm huyết, sáng tạo, vừa phải biết tu dưỡng bản thân, giữ gìn hình ảnh với công chúng, vừa phải có chiến lược phát triển, cạnh tranh.
Để làm được điều đó, cần phải có một ekip chuyên nghiệp hỗ trợ, nhưng đa số nghệ sĩ ở Việt Nam chỉ làm một mình, lại hay làm theo ngẫu hứng, nên sai sót, va vấp là điều không tránh khỏi.
Mà mỗi khi mắc sai sót nào đó, lại làm cộng đồng dậy sóng. Trong những cơn sóng đó, ngoài những lời góp ý chân thành, còn khá nhiều lời chửi bới, miệt thị rất nặng, từ liên khúc chửi quá tục tằn vô cớ của một người, tới sự kích thích cố ý của một vài Facebooker có lượng tương tác khá, khiến nhiều người lao vô bình luận chửi bới tất cả nghệ sĩ, những câu chữ coi thường nghề hát, khinh miệt nghệ sĩ tuôn ra như thác đổ bằng những từ dơ bẩn mà tôi không tiện nhắc lại.
Trước làn sóng tấn công, bôi nhọ danh dự quá đáng như vậy thì sự phản kháng của một số nghệ sĩ là điều không thể tránh khỏi. Có lẽ, mục đích của các anh chị nghệ sĩ đó cũng chỉ muốn chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng lao động nghệ thuật không chỉ ngang bằng lao động trong các ngành khác mà còn đặc biệt hơn vì ngoài chất xám, công sức, tài năng còn bào mòn cảm xúc rất dữ dội.
Các nghệ sĩ chỉ cần được nhìn nhận đúng về nghề nghiệp, cần những người đang điên cuồng chửi bới lăng mạ nghề nghiệp phải tôn trọng nghệ sĩ, đặt vị trí nghề nghiệp của nghệ sĩ đúng chỗ, chứ tôi biết chắc một điều, không một nghệ sĩ nào mà không cần khán giả, không tri ân khán giả sâu sắc cả.
Nhưng khi chứng minh điều này, có thể cách phân tích chữ NUÔI chưa bao hàm đủ hết các tầng ngữ nghĩa. Có thể các nghệ sĩ chưa nhìn thấy tính hai mặt của vấn đề, chỉ muốn THOÁT ra khỏi chữ THƯƠNG mang tính GIA ĐÌNH của khán giả ngày xưa để đi tới quan hệ khách hàng – mua/bán sòng phẳng tính xã hội ngày nay. Điều mong muốn này về lý không sai, nhưng về tình, vô tình tước đi mất nét đặc thù văn hoá vốn rất đẹp của khán giả miền Nam, đánh mất tình cảm chân tình quý báu bấy lâu nay, điều mà các nghệ sĩ Âu-Mỹ vất vả kiếm tìm.
Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh