Để tìm một môi trường làm việc mới, thoải mái, có cơ hội tiến thân cao hơn, bạn trẻ có nên chọn thời điểm cuối năm để nhảy việc?
Nhảy việc để làm mới mình
Đang là giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội nhưng Bùi Thị Thi (22 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên Huế) đã ấp ủ chuyện nộp đơn nghỉ việc sau hơn một năm gắn bó. Lý do đưa ra của Thi là cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại, muốn thay đổi và tìm môi trường tốt hơn. Thi cho rằng công việc đang làm hiện đang cũng không quá tệ, đồng nghiệp và cấp trên rất tốt.
“Chỉ là mình cảm thấy công việc đơn điệu, không muốn một cuộc sống êm đềm và quanh quẩn trong vòng an toàn đó. Vì vậy, mình chọn nhảy việc để cố gắng làm mới lại mình”, Thi nói.
Theo Thi, nhảy việc ở thời điểm này rất khó xin việc trở lại. Tuy nhiên, cô giáo tiếng Anh sẵn sàng đối mặt với sự lựa chọn của mình. “Tôi có tìm hiểu tương đối kỹ về thị trường lao động, trong công việc mới và tôi đã kết nối vào rất nhiều nhóm xin việc làm liên quan tới tiếng Anh ở Hà Nội để lập ra kế hoạch xin việc vào năm sau”, Thi nói.
Trước khi ra quyết định Thi cũng phân vân rất nhiều. Các khoản thưởng tết sẽ bị mất nhưng cô không hề đặt nặng. Bởi lẽ qua một năm làm việc Thi cũng học được nhiều thứ mà trước đó chưa từng nghĩ tới. Cô cũng chuẩn bị cho mình một khoản tiền để thời gian “nghỉ giữa hiệp” không phải lo lắng gì. Sau đó Thi sẽ tìm một công việc khác phù hợp hơn sau Tết Nguyên đán.
Với trường hợp đổi việc hồi tháng 12.2021 vì công ty giải thể, Võ Văn Đạt (32 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) cảm thấy hơi bị hụt hẫng. Bởi trước đó mọi việc vẫn đang diễn ra một cách bình thường. Nhân viên còn được may tặng đồng phục, lương hàng tháng không hề trễ. Tuy nhiên, đột ngột nhân viên nhận được thông báo phải giải thể công ty gấp trong tháng 12 với nhiều lý do nội bộ.
Do nghỉ việc đột ngột, nhiều khoản tiền cuối năm của Đạt ở công ty cũng bị mất theo. Sau khoảng thời gian tìm việc mới, Đạt cũng “nhảy” qua được một công ty công nghệ trước khi bước qua năm mới. Đạt cho biết, chuyên môn của mình là marketing và công nghệ nên thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao. Đạt cho rằng nhảy việc vào cuối năm là một cách để bản thân được làm mới, phục vụ công ty một cách tốt hơn.
“Đặc thù của công nghệ số là có thể phục vụ được rất nhiều khách hàng ở mọi lĩnh vực, nên dù có chuyển sang công ty khác thì tôi vẫn làm việc và hòa nhập rất nhanh. Trước đây tôi làm trong công ty bất động sản chỉ có bộ phận kỹ thuật và nhân viên bán hàng, qua công ty công nghệ mình được tiếp xúc với thiết kế đồ họa, lập trình viên, bán hàng, tiếp thị số… Chắc chắn cũng được nâng cao trình độ về sau này”, Đạt cho hay.
Nhảy việc vào cuối năm rủi ro thất nghiệp rất cao?
Ông Cao Trung Hiếu, Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, chia sẻ: “Những tháng cuối năm dương lịch thường không phải là giai đoạn có tỉ lệ nghỉ việc cao ở doanh nghiệp. Giai đoạn này còn nhiều lợi ích gắn với người lao động như nhiều mức lương thưởng cuối năm. Thêm nữa nhu cầu tuyển dụng cũng không nhiều. Thời điểm sau Tết Nguyên đán mới là thời điểm nóng của thị trường tuyển dụng. Do đó, “nhảy việc” vào cuối năm đem lại rủi ro thất nghiệp tạm thời khá cao nếu vị trí của người lao động không được nhà tuyển dụng săn đón”.
Ông Hiếu cũng cho rằng: “Người lao động phải đợi tới giai đoạn trước Tết âm lịch là thời gian có mức tăng trưởng cao. Đây là giai đoạn nhu cầu tiêu dùng tăng nên doanh nghiệp cần nhiều nhân lực nhất”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Văn Lang cũng nói rằng cuối năm thường các doanh nghiệp sẽ ít tuyển dụng hơn thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Nhìn một cách tích cực, thạc sĩ Tú nói: “Nhảy việc cuối năm cũng là một điều tốt đối với nhiều bạn trẻ. Tuy vậy, mục đích nhảy việc này không nên vì tiền mà nên tìm kiếm kiến thức, sự học hỏi và làm dày hơn kinh nghiệm làm việc. Từ đó giúp bạn trẻ có được sự nhìn nhận và phát triển hơn ở công ty mới sau khi nhảy việc”.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng tuỳ điều kiện kinh tế của mỗi người để có cân nhắc riêng cho mình. “Nếu bạn dự đoán tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2022 chưa ổn định thì tốt nhất là bạn hãy “tạm hoãn” nhảy việc vào thời điểm này. Ngoài ra, bạn cũng cần nhìn nhận ở góc độ vĩ mô hơn về ngành mình làm việc. Ví dụ như ngành du lịch, tài chính, bất động sản đang bị ảnh hưởng mạnh thì chuyện nhảy việc từ chỗ này qua chỗ kia còn có thể tệ hơn. Còn nếu các ngành đang có sự phát triển tốt, ổn định lâu dài thì bạn trẻ nên nhảy việc”, thạc sĩ Tú nói.
Tác giả: Dạ Thảo
Nguồn: https://thanhnien.vn/sao-gan-cuoi-nam-lai-chon-nhay-viec-roi-thuong-tet-thi-sao-1851518889.htm