Nhiều nhận định cho rằng những nội dung, trào lưu xấu, bẩn từ một số TikToker đang làm cho công chúng sử dụng mạng xã hội bị “nhiễm độc”.
Có dễ nhận diện được TikToker “bẩn”?
Bình luận về những trào lưu, nội dung bẩn của nhiều TikToker hiện nay, Võ Văn Đạt (32 tuổi) làm việc tại Công ty TNHH OKY, đường Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình (TP.HCM) cho rằng thời đại thông tin mở hiện nay thì không khó nhận dạng những chiêu trò bẩn của các TikToker dạng này. Dần dần, nó trở thành những thứ “phải” xuất hiện mà TikToker cố tình tạo nên để nổi tiếng. Sự tràn lan và dễ dàng tiếp cận đó khiến công chúng dễ dàng nhận ra được, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách ngăn chặn nội dung xấu.
“Trước đó là những chiêu trò của một TikToker bằng những trò lố quá đà. Kế đến là một TikToker có tên C.G.C.R cũng bằng chiêu trò gây tranh cãi, nói xấu, kể chuyện của người khác hòng để kiếm view, lên xu hướng”, Đạt nói.
Theo Đạt, để môi trường mạng văn minh, nội dung trong sạch và có ích cho người dùng thì mỗi người là một pháo đài để loại bỏ nội dung bẩn bằng cách tẩy chay, báo cáo hoặc chặn nội dung này lại, thuật toán sẽ ngăn không cho phát tán clip này đến người xem. Các Youtuber và Tiktoker đừng vì ham view, ham kiếm tiền mà đánh mất lòng tự trọng, tương lai của mình.
Còn Lê Hồng Nhựt (27 tuổi, ngụ hẻm 133 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM) cũng cho rằng những nội dung bẩn hiện nay đã ngấm sâu, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ rất nhiều. Đặc biệt là trẻ em. Bởi trẻ em bây giờ xem TikTok và mạng xã hội rất nhiều, sẽ dễ làm sai lệch về suy nghĩ, đạo đức cũng như nhận thức cái đúng. Rộng hơn sẽ khiến người trẻ càng trở nên dễ dãi và dân trí ngày càng đi xuống khi nội dung bẩn không bị triệt tiêu.
Nhựt cho biết những câu chuyện TikToker lợi dụng người nghèo, người yếu thế, những người đáng thương, mang danh từ thiện, hay những nội dung hài nhảm, tục tỉu, lấy yếu tố nhạy cảm về tình dục để đùa vui cũng cần lên án.
“Nếu điều này không bị lên án, thì sẽ còn rất nhiều những bạn trẻ khác vì tiền, vì tiếng mà bất chấp mọi giá trị đạo đức để kiếm view. Đó là lý do mà xã hội ngày càng kém nhân văn. Những TikToker “không não” được tung hô thì e rằng những hình ảnh xấu vẫn sẽ tồn tại trên mạng”, Nhựt bày tỏ.
Công chúng dễ bị nhiễm độc bởi nội dung xấu
Thạc sĩ Trần Ngọc Anh Vũ, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng – truyền thông, Trường Đại học Văn Lang cho biết quảng cáo mạng xã hội là một trong những hình thái của phương tiện quảng cáo trực tuyến mới. Theo báo cáo Digital 2022 của We Are Social và Kepios tính đến tháng 2.2022 có 76,95 triệu người đang sử dụng các tài khoản mạng xã hội khác nhau. Và có tới 51,78 triệu người mua hàng trên mạng trong năm 2021; 35.8% thường xuyên xem nội dung video đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội, 57,1% người dùng tìm hiểu thương hiệu trên mạng trước khi mua. Chính những hành vi của người dùng mạng xã hội tạo cơ hội cho KOLs, Youtuber, TikToker kiếm được quảng cáo từ tác động đến hành vi của khách hàng thông qua những bài viết, video đánh giá sản phẩm.
Theo ông Vũ, sở dĩ các KOLs được chọn để quảng cáo hiện nay giúp nhãn hàng tiết kiệm được chi phí. KOLs luôn có sẵn một cộng đồng người hâm mộ yêu thích, theo hiệu ứng lan toả khi KOLs có ấn tượng tốt về một người nào đó thì sẽ quan tâm. Do đó, khi một nhãn hàng chọn KOLs review sẽ gián tiếp xây dựng được tình cảm với nhóm cộng đồng yêu thích KOLs đó. Nhờ vậy làm tăng doanh thu bán hàng trực tuyến từ những tương tác giữa KOLs và người tiêu dùng trên chính kênh truyền thông của họ. Hiện nay xu hướng sử dụng KOLs để livestream bán hàng rất phổ biến và đạt được kết quả kinh doanh cao.
Tuy nhiên, những mặt xấu khi KOLs truyền tải thông điệp quảng cáo không rõ ràng, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. Việc lựa chọn YoTuber, TikToker không phù hợp dẫn đến tương tác thấp, không hiệu quả. Người tiêu dùng tẩy chay KOLs do vướng nghi vấn tin đồn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của nhãn hàng và có thể dẫn đến làn sóng tẩy chay.
Ông Vũ cho rằng hiện nay một số bạn trẻ bất chấp sản xuất nội dung mang tính giật gân, câu view, hài nhảm, phản cảm… nhằm đẩy lượng view cao để kiếm tiền từ quảng cáo. Các KOLs luôn có nhu cầu thể hiện bản thân mình là người thành công, nổi bật và có giá trị trong cộng đồng. Vì vậy, các KOLs nổi tiếng thường sáng tạo những nội dung mang tính thời thượng, “hot trends”, khác biệt, độc nhất để thu hút đám đông nên dẫn đến một lượng lớn các bạn KOLs sản xuất nội dung không phù hợp nhằm mục đích tăng lượt view và kiếm tiền từ quảng cáo.
“Thực trạng này cần được báo động và có những giải pháp làm trong sạch mạng xã hội. Nếu xu hướng bất chấp để được view cao và quảng cáo sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực như: công chúng sẽ bị nhiễm độc bởi những nội dung phản cảm tràn lan trên mạng, các giá trị đạo đức sẽ bị xáo trộn và tác động xấu đến hệ tư tưởng của người trẻ. Người tiêu dùng cảm thấy mất niềm tin với những nhãn hàng được review trên mạng. Mạng xã hội đầy rẫy những thông tin độc hại vì những video tiêu cực chiếm sóng của YouTuber, TikToker”, ông Vũ nhận định.