Ngày càng có nhiều nhà đầu tư chọn chứng khoán để làm kênh đầu tư lâu dài. Đặc biệt, trải qua chuỗi ngày giãn cách kéo dài dường như chứng khoán càng phát huy ưu điểm kiếm tiền thụ động một cách nhanh chóng mà không cần phải ra đường. Bài viết sẽ mang đến bạn khái niệm cụ thể về việc đầu tư chứng khoán là gì và 4 trường phái đầu tư cơ bản hiện nay, hãy theo dõi nhé!
Đầu tư chứng khoán là gì?
Chứng khoán tên tiếng Anh là Security – là một loại tài sản tài chính được dùng để giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chứng khoán được thể hiện bằng chứng chỉ hoặc được giao dịch ở dạng điện tử hay bút toán.
Đầu tư chứng khoán chính là công việc nhà đầu tư mua, bán hay nắm giữ các sản phẩm chứng khoán trên thị trường. Nhà đầu tư có thể là tổ chức hay cá nhân đều có thể tham gia. Để quá trình đầu tư được diễn ra suôn sẻ và gặt hái được nhiều thành quả thì nhà đầu tư cần có một tài khoản chứng khoán, có vốn đầu tư, những thiết bị hỗ trợ (laptop, smartphone, tablet,…), thông tin cơ bản về chứng khoán và kiến thức cần thiết,…
Trường phái đầu tư chứng khoán là gì?
Trường phái đầu tư chứng khoán (Investment Philosophy) chính là các nguyên tắc định hướng cho cả quá trình đầu tư, đưa ra quyết định đúng đắn. Mỗi trường phái đầu tư sẽ có một cách tư duy nhất quán, có hệ thống đối với hầu hết mọi vấn đề có liên quan đến chứng khoán. Cùng một thời điểm và trên một thị trường nhất định, mỗi nhà đầu tư thuộc trường phái riêng sẽ có thể nhìn nhận được những cơ hội, rủi ro khác nhau từ đó có những quyết định đầu tư khác nhau để tạo ra lợi nhuận.
Trong chứng khoán, việc xác định trường phái đầu tư và thực hiện theo những kế hoạch đó sẽ giúp cho nhà đầu tư có hướng đi chính xác, đúng đắn, từ đó gặt hái được nhiều thành công. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư yếu tố tâm lý còn ảnh hưởng lớn đến những quyết định quan trọng. Do đó, khi lựa chọn một trường phái đầu tư cụ thể và triên trì theo đuổi chiến lược đã vạch sẵn, nhà đầu tư sẽ có cơ sở để tin tưởng, không bị lung lay bởi những biến động của thị trường hay tác động của những ý kiến của đám đông. Nếu không có trường phái đầu tư, bạn sẽ rất dễ quyết định theo may rủi, xui khiến, cảm tính, như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng quan trọng.
7 trường phái đầu tư chứng khoán phổ biến hiện nay
1) Trường phái Đầu tư giá trị (Value Investing Philosophy)
Đầu tư giá trị là đầu tư cổ phiếu dựa vào cơ sở giá trị của chúng. Hiểu theo cách đơn giản thì đầu tư giá trị là nhà đầu tư đưa ra quyết định mua, bán một cổ phiếu qua việc nhìn vào giá trị nội tại mà cổ phiếu đó đang chứa đựng, tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu đó trong tương lai cùng lợi tức mà nó mang đến. Nó khác với hình thức mua, bán cổ phiếu dựa trên cơ sở dòng tiền, mức cung cầu của thị trường đối với cổ phiếu đó.
- Chiến lược đầu tư giá tri nội tại (Intrinsic value investing)
- Chiến lược đầu tư giá trị tương quan (Relative value investing)
- Chiến lược đầu tư giá trị – đối nghịch (Contrarian value investing)
- Chiến lược đầu tư giá trị của nhà đầu tư chủ động (Activist value investing)
Phương pháp đầu tư giá trị phù hợp với những nhà đầu tư không có nhiều thời gian để có thể thường xuyên theo dõi biến động của giá cổ phiếu hằng ngày hay không muốn quá lo lắng về những biến động của thị trường. Đầu tư giá trị sẽ được thực hiện qua 2 bước:
Bước 1: Tìm hiểu những doanh nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chí về tiềm năng phát triển, về mặt các con số trong tương lai.
Bước 2: Đợi để gom hàng, sau đó thì mua cổ phiếu khi cổ phiếu đó có giá trị thấp hơn giá trị thực của nó (thấp hơn khoảng 30 – 50%).
2) Trường phái Đầu tư cơ bản (Fundamental Investing Philosophy)
Đầu tư theo trường phái cơ bản là cách đo lường giá trị nội tại của một cổ phiếu bằng cách xem xét các yếu tố như hoạt động kinh doanh cũng như mức độ phát triển trong tương lai của công ty phát hành cổ phiếu. Theo đó, những nhà đầu tư theo trường phái cơ bản sẽ nghiên cứu mọi yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của một cổ phiếu, từ yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái nền kinh tế, điều kiện phát triển của ngành,… cho đến những yếu tố kinh tế vi mô khác như cách quản lý và hiệu quả điều hành của ban lãnh đạo công ty.
Một doanh nghiệp được cho là có “sức khỏe tài chính” tốt là khi những thông tin liên quan đến lợi nhuận, tài sản, doanh thu,… phải ổn định và khả năng tăng trưởng trong tương lai. Dựa vào đó những nhà đầu tư có thể đưa ra những ước tính về năng lực kinh doanh cũng như hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định xem liệu có nên đầu tư vào cổ phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp đó hay không.
3) Trường phái Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing Philosophy)
Đầu tư theo trường phái tăng trưởng chính là đầu tư vào những doanh nghiệp có lợi nhuận, doanh thu tăng trưởng liên tục trong vòng 2 – 3 năm gần đây với tốc độ cao (trên 15%). Sự tăng trưởng này cần phải đến từ các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi chứ không phải là lợi nhuận, doanh thu đột biến từ việc công ty chuyển nhượng hay bán tài sản mà có.
Nét hấp dẫn của phương pháp đầu tư này chính là sự tăng trưởng sẽ thu hút sự quan tâm, chú ý từ phía đám đông. Chính bởi điều này đã khiến cho giá cổ phiếu được tăng nhanh, có thể chạm mức tương đương với sự tăng trưởng của nó. Thông thường, những nhà đầu tư theo trường phái này sẽ thích những công ty có quy mô nhỏ hoặc vừa nhưng lại có hoạt động trong thị trường quy mô lớn, có ý tưởng hay mô hình kinh doanh xuất sắc cũng như tiềm năng tăng trưởng cao.
- Chiến lược đầu tư tăng trưởng thụ động (Passive Growth Investing)
- Chiến lược đầu tư tăng trưởng – công ty vốn hoá nhỏ (Small Cap Investing)
- Chiến lược đầu tư tăng trưởng – đối nghịch (Activist Growth Investing)
4) Trường phái Đầu tư kỹ thuật (Technical Analysis Investing Philosophy)
Đầu tư theo phương pháp phân tích kỹ thuật là đưa ra quyết định đầu tư dựa vào quá trình đánh giá những chỉ báo về đồ thị giá của cổ phiếu. Các chỉ báo sẽ được tính toán dựa trên 2 yếu tố chính là giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu.
Quan điểm chính của phân tích kỹ thuật chính là xem cổ phiếu như một loại hàng hoá và các chỉ báo phân tích kỹ thuật sẽ được xây dựng theo một mục tiêu duy nhất là xác định và giải thích mối liên hệ giữa sức mạnh của bên bán với bên mua cổ phiếu.
Giả sử giá cổ phiếu tăng đi kèm với khối lượng giao dịch trong ngày, tuần hoặc tháng tăng thì bên mua cổ phiếu sẽ chiếm ưu thế. Có lẽ đây là trường phái đầu tư được nhiều nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất vì nó đơn giản, nhanh, dễ hiểu và dễ dàng. Tuy nhiên, người đầu tư phải có sự nhanh nhạy với thị trường, có tính kỷ luật cũng như phải quản trị rủi ro thật tốt.
- Chiến lược phân tích kỹ thuật. (Technical Analysis and Charting)
- Chiến lược dùng sóng Elliot – số Fibonacci (Elliot Wave and Fibonacci series)
- Chiến lược đi theo xu huớng (Trend Following)
5) Trường phái Đầu tư theo thông tin (Information Investing Philosophy)
Những nhà đầu tư theo phương thức này cũng không quan tâm đến giá trị nội tại mà chỉ quan tâm đến thị giá. Họ ra quyết định đầu tư dựa vào những thông tin quan trọng – những thông tin có thể làm thay đổi thị giá.
- Chiến lược đầu tư thông tin – thông tin phản ứng chậm (Slow Learning Market)
- Chiến lược đầu tư thông tin – phản ứng thái quá (Overreacting market)
6) Trường phái Đầu tư cơ lợi (Arbitrage Investing Philosophy)
Đây là quan điểm đầu tư không rủi ro: tức là cùng lúc sẽ mua vào và bán ra cùng một cổ phiếu hay cổ phiếu tương tự. Ví dụ, nhờ vào việc thiếu thông tin của cổ phiếu dạng OTC, cùng một lúc nhà đầu tư có thể ra lệnh mua cổ phiếu A với giá 40, và lệnh bán với giá 41 cổ phiếu đó và kiếm được lợi nhuận tuy nhỏ, nhưng không rủi ro.
7) Trường phái Đầu tư theo chỉ số (Index Investing Philosophy)
Phương thức này cho rằng thị trường là hiệu quả, và vì thế không nên chọn những cổ phiếu “tốt” hơn thị trường. Cách đầu tư hiệu quả nhất là chọn một danh mục đầu tư có cổ phiếu thể hiện được chỉ số của thị trường. Danh mục đầu tư sẽ lên xuống tương tự như chỉ số index..
Nhà đầu tư không thể áp dụng hết những phương thức và chiến lược kể trên, mà phải xác định cho mình một hay vài phương thức, chiến lược nhất định. Và nhà đầu tư cũng không nên “đứng núi này trong núi nọ”. Lý do đơn giản là chiến lược đầu tư cụ thể nào đó có thể áp dụng thành công với người này nhưng lại có thể không thể áp dụng với người khác. Mỗi nhà đầu tư, ngoài quan điểm khác nhau, còn có nhiều thứ rất khác nhau, đó là mục tiêu đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư, tích cách… và việc chọn một phương thức đầu tư thích hợp cho từng cá nhân sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những điều vừa kể trên.
Trên đây là khái niệm đầu tư chứng khoán là gì cũng như 4 trường phái đầu tư chứng khoán phổ biến nhất. Mong nhà đầu tư sẽ tìm cho mình một trường phái phù hợp để từ đó có thể xây dựng một kế hoạch đầu tư hoàn hảo và đúng đắn để thu hái được nhiều thành công hơn.
Nguồn tổng hợp: Chứng khoán HSC & Báo Đầu tư chứng khoán